Khi bạn có trong tay một đống từ vựng, bạn định làm gì với chúng?
Việc học từ vựng tưởng chừng dễ nhưng thực ra khá khó, cần phương pháp đúng mới hiệu quả. Hôm nay, mentor của IPP sẽ hướng dẫn cho các sĩ tử IELTS một số phương pháp học từ vựng hiệu quả, giúp chúng mình nhớ từ lâu hơn và chính xác hơn.
1. Xác định từ vựng nào là “đáng học”
Khi đọc một bài đọc hay nghe một bài podcast nào đó, chắc chắn ta sẽ gặp rất nhiều từ mới. Nếu dừng lại liên tục để tra từ, ta thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và cuối cùng là bỏ dở bài đọc. Vậy nên, bước đầu tiên khi học từ là quyết định xem từ nào “đáng học”. Có 2 tiêu chí để xác định các từ đó:
-Từ đó lặp lại nhiều lần trong bài
-Từ xuất hiện ở tiêu đề bài đọc (heading) và trong câu chủ đề (topic sentence) trong mỗi đoạn văn
2. Ghi chép lại những thông tin liên quan đến từ mới cần học
Hãy dành ra một quyển sổ chỉ để ghi từ mới. Một số thông tin quan trọng về từ bạn cần phải gồm:
-Từ mới
-Dịch nghĩa
-Chức năng trong câu (dạng từ)
-Câu có chứa từ vựng đó (ví dụ)
-Câu tự vận dụng (có chứa từ mới đó)
3. Học các từ cùng họ
Khi học một từ mới, ta cũng nên học thêm các dạng từ khác (biến thể) của các từ này. Việc này sẽ giúp ta học được nhiều hơn, dễ hơn (vì các từ cùng có điểm chung). Học các dạng từ khác nhau cũng giúp ta dễ dàng hơn trong việc paraphrase khi nói và viết IELTS.
Ví dụ:
The number of visitors to Vietnam has increased significantly over the past 5 years.
Paraphrasing: There has been a significant increase in the number of visitors to Vietnam over the past 5 years. (significantly (adv) -> significant (adj) | increase (v) -> increase (n))
4. Học các cụm từ hay đi cùng nhau (collocations)
Collocations là phần rất quan trọng quyết định tính tự nhiên, trôi chảy, dễ hiểu trong bài viết/nói. Ví dụ chúng mình có thể học các collocations như: take a long vacation, go on a summer vacation…
5. Vẽ sơ đồ các từ có mối liên hệ với nhau
Thay vì nhớ rời rạc, đơn lẻ từng từ, chúng ta nên nhớ theo cụm/tập hợp các từ có mối liên quan đến nhau và vẽ chúng thành 1 sơ đồ logic. Sơ đồ đó gồm: các từ cùng họ, các từ đồng nghĩa, các từ trái nghĩa, các từ đi kèm với nhau.
Ví dụ sơ đồ từ vựng của từ “frightened” sẽ bao gồm các cụm như:
– Word family: frightening, fright, frighten
– Synonyms: scared, afraid, terrified
– Antonyms: unafraid, calm, unstressed
– Collocations: a frightened child, easily frightened
6. Luôn xem lại cuốn sổ từ mới
Việc nhớ được từ chỉ bằng 1-2 lần đọc hoặc ghi chép hầu như là bất khả thi. Vậy nên chúng ta cần nhìn lại cuốn sổ từ mới liên tục, xem các ví dụ, các sơ đồ đã vẽ để thúc đẩy quá trình ghi nhớ nhanh hơn.
7. Học từ vựng bằng thẻ học từ
Thẻ từ vựng trắng có thể dễ dàng mua được ở các hiệu sách hoặc bạn có thể tự cắt bìa/ giấy để làm thẻ từ cho mình. Một mặt bạn ghi từ và loại từ, mặt kia ghi nghĩa và ví dụ. Bạn nào khéo tay có thể vẽ thêm hình minh họa cho từ đó. Khi leo cầu thang, đi bộ hoặc đợi xe buýt, bạn có thể lấy bộ thẻ ra, lật qua lật lại để ôn tập, ghi nhớ từ. Việc này vừa tiết kiệm thời gian vừa hiệu quả đúng không nào?