Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những người bạn rất giỏi tiếng Anh: điểm cao chót vót, nói tiếng Anh như gió, hay có chất giọng “tây” nghe như người nước ngoài.
Chắc hẳn nhiều bạn đã trải qua những tháng ngày cấp 3 (và có thể là cả đại học) bỏ bê việc học tiếng Anh..
Thầy Tú cũng thế, ngày xưa thầy học cùng lớp với rất nhiều bạn siêu nhân tiếng Anh. Có những bạn siêu giỏi, đạt gần max điểm TOEFL và đạt IELTS 7.5 từ thời những năm 2003-2005. Cần phải nói thêm, hồi đó 7.5 là siêu việt rồi, vì số lượng trung tâm luyện thi, sách học, bộ đề v.v còn chưa nhiều như bây giờ. Còn thầy thì về cơ bản là cấp 3 có học gì mấy đâu, nên kết thúc cấp 3 trình độ tiếng Anh chắc mới đạt Pre-Intermediate.
Rời trường cấp 3, tiếng Anh của thầy Tú lúc đó cũng chỉ tầm tầm như các bạn bây giờ bắt đầu ôn thi IELTS thôi. Và thầy quyết định bắt đầu học, chỉ với ý niệm duy nhất:
“Mình có thể làm được. Mình sẽ chứng minh và khẳng định bản thân. Nếu mình cố gắng thì mình sẽ không thua kém ai cả.”
Nhưng bắt đầu thế nào? Lúc đó thầy chỉ là một cậu học trò 17, 18 tuổi hoàn toàn lạc phương hướng về việc học tiếng Anh, với kiến thức bập bõm mỗi thứ biết một tí.
Thầy sẽ kể lại câu chuyện bắt đầu học của bản thân, để các em xem có áp dụng được gì không nhé.
1. BẮT ĐẦU LÀ CHOÁNG NGỢP BỞI LƯỢNG KIẾN THỨC KHỔNG LỒ PHẢI HỌC
Chợt một ngày thầy tìm thấy một cuốn sách, mà tiêu đề thầy cũng không còn nhớ rõ nữa, có lẽ là “54 bài luận mẫu TOEFL” (hồi đó học TOEFL PBT là “xịn” lắm rồi). Trong cuốn sách hoàn toàn không có gì ngoài bài mẫu, là những bài luận do các bạn học sinh viết, có kèm một chút chú thích và giải nghĩa. Và hoàn toàn tình cờ, thầy bắt đầu từ đây.
Thầy bắt đầu “hì hụi” chép lại từng từ mới một vào bên cạnh mỗi bài, thành những trang sách chi chít chữ. Vừa chép thầy vừa tra từ điển, và tất nhiên đây không phải việc dễ dàng. Khi bắt đầu, thầy bị choáng ngợp bởi 4-5 từ mới mỗi dòng, hay 50-70 từ mới cho cả bài. Những trang đầu cuốn sách chi chít chữ đỏ, chú thích chằng chịt. Mỗi bài thế này tốn 2-3 ngày liên tục học thì thầy mới nhớ được phần lớn từ mới.
Khi đã quyết tâm ấy mà, thì vài ngày như thế là chuyện thường. Vấn đề chỉ là ai sẽ nản và bỏ cuộc, còn ai sẽ tiếp tục thôi. Thầy thì có cái may là dù trình độ tiếng Anh lúc đó rất tệ nhưng quyết tâm thì có thừa. Nghĩ lại thầy cũng không biết ai đó cho mình từng ấy quyết tâm nữa.
2. CÀNG HỌC CÀNG KHÓ
Khi đã vượt qua những bài đầu, vượt qua cảm giác choáng ngợp đầu tiên, thầy bắt đầu học nhanh hơn, đôi khi là 30-40 từ mới/ ngày. Thế nhưng lúc này, thầy lại dần đi vào một khó khăn mới còn lớn hơn nhiều so với khó khăn cũ đã trải qua.
Khả năng tiếp nhận thông tin trong thời gian ngắn của con người hình như là có hạn thì phải. Khi vượt qua 6, 7 bài với tầm trên 300-400 từ mới, tự nhiên thầy học tiếp mà không thấy “vào”, hoặc là học trước quên sau. Không biết có bạn nào từng gặp phải vấn đề này không?
Lời khuyên của thầy cho các em, đơn giản chỉ là hãy thật kiên trì. Không có con đường tắt nào cả. Ngày xưa, dù bản chất khá “lười”, riêng lần ấy thầy đã hạ quyết tâm nhất định phải xong đủ cả cuốn sách 54 bài.
3. NẾU ĐÃ QUYẾT T M VÀ KIÊN TRÌ, THÀNH QUẢ SẼ TỰ TỚI
Học được một nửa cuốn sách, thầy đã cảm thấy mình khá hẳn lên, biết nhiều từ hơn rồi. Từ những bài đầu ngập từ mới, tỷ lệ từ mới này đã giảm dần, tới mức mỗi bài chỉ còn 10-20 từ mới thôi. Và tới những bài cuối cùng, mỗi bài thầy chỉ còn gặp 5-6 từ mới. Đôi lúc có bài tâm đắc, thầy còn chép lại cả bài để học cách phát triển ý và cấu trúc câu.
Thầy không chắc có ai khác học theo cách của thầy không, nhưng cách này đã thực sự giúp thầy tiến bộ kinh ngạc chỉ sau 1-2 tháng chăm chỉ đọc sách, chép từ và tra từ. Thầy đạt 7.5 IELTS Writing ít lâu sau đó, từ xuất phát điểm Pre-Inter bập bõm. Chưa phải cao so với thầy ở hiện tại, nhưng đủ để tự hào là mình không kém ai trong số bạn bè cùng trang lứa, và nhất là đủ điểm để sau đó đi du học.
Tất nhiên về sau thầy nhận ra một số điểm thiếu sót từ cách học chép từ mới/ bài luận này, ví dụ như việc từ mới chỉ đang ở dạng “chết”, hoàn toàn không có bài tập để ứng dụng, và tình huống thực sự, bài luận thực sự để viết vào. Cái này cần có phương pháp khác để giải quyết, mà thầy sẽ đề cập lại trong một bài viết khác về sau.
Tựu chung lại, thầy nghĩ học tiếng Anh cứ như chơi ghép hình: bắt đầu thì như mò kim đáy bể, càng tới giữa thì càng khó, nhưng khi các mảng lớn thành hình thì đoạn cuối từng piece đều tự nhiên sẽ fit vào vị trí của nó mà không cần phải cố gắng nhiều.
Thầy trích lại một câu mà thầy từng viết:
What we truly need is a little bit of patience. Everything will be done, step by step and piece by piece.
Tu Pham.